/ Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục như thế nào?
Trẻ em cần có trí tưởng tượng, học cách tư duy phản biện và sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được coi là một công cụ giúp con người giải quyết vấn đề và đưa ra câu trả lời.
“Tuy vậy, đó là mục đích sử dụng cuối cùng mà chúng ta muốn trẻ em ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào,” Tiến sĩ Bruce Geddes, Phó Hiệu phó phụ trách Học thuật đồng thời là Chuyên gia Khoa học Máy tính của trường Quốc tế Anh Kuala Lumpur (BSKL) - thuộc Tổ chức giáo dục Nord Anglia.
“Việc ứng dụng AI trong giáo dục mang lại những công cụ thú vị, và việc hướng dẫn học sinh sử dụng những công cụ ấy vào việc học là điều vô cùng quan trọng. Tuy nhiên những công cụ đó không thể thay thế việc tư duy và những trải nghiệm học tập thực tế, bởi các em học sinh chỉ thực sự học thông qua quá trình tư duy của bản thân.”
Vậy giáo viên có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục như thế nào?
Theo Tiến sĩ Bruce, để tìm được câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta nên quay trở lại với câu hỏi, “Điều gì khiến trải nghiệm học tập trở nên vượt trội?”. Tại trường Quốc tế Anh BSKL, đội ngũ giáo viên áp dụng mô hình ETC (viết tắt của “Explain and Explore, Think, Check and Correct”, có nghĩa là Giải thích và Khám Phá, Tư Duy, Kiểm tra và Chỉnh sửa) nhằm đảm bảo học sinh thực sự rèn luyện khả năng tư duy, nắm vững kiến thức và phát triển kỹ năng.
Giải thích và Khám phá.
Giai đoạn Giải thích và Khám phá là giai đoạn mà đa số mọi người cho rằng đây là toàn bộ quá trình giảng dạy. Đây là giai đoạn mà học sinh được truyền cảm hứng, giới thiệu những ý tưởng, tư duy và cách thực hành mới giúp các em khám phá, thử thách trí tưởng tượng cũng như hiểu biết và khả năng tư duy của bản thân, đồng thời được khuyến khích đặt câu hỏi về mọi vấn đề. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên ở đây đó là giai đoạn này lại là lúc ít kiến thức và kỹ năng được thu nạp nhất.
Tư duy.
Sau hành trình khám phá những kiến thức mới lạ trong giai đoạn Giải thích và Khám phá, bước tiếp theo học sinh cần làm là Tư duy, thực hiện những hoạt động giúp mở mang trí óc và phát triển tư duy, đồng thời chuyển những gì mình đã học từ trí nhớ ngắn hạn sang dài hạn. Đây mới chính là lúc các em học được nhiều kiến thức và kỹ năng nhất bởi trọng tâm chính của việc học nằm ở quá trình tư duy chủ động của mỗi cá nhân.
Kiểm tra và Chỉnh sửa.
Ở bước cuối cùng, học sinh bắt đầu Kiểm tra và Chỉnh sửa lại những khái niệm mà các em đã học được, điều chỉnh và định nghĩa lại những hiểu biết của bản thân về những điều xung quanh mình và hệ thống hóa những kiến thức ấy.
Ông Bruce cho rằng: “Đây chính là mô hình cho trải nghiệm học tập mang tính chuyển đổi, và chúng ta có thể áp dụng mô hình này vào việc ứng dụng AI trong giáo dục.”
“Câu hỏi lớn nhất ở đây là, làm cách nào để chúng ta tận dụng cơ hội này để dạy cho học sinh về trí tuệ nhân tạo (AI) theo cách sáng tạo, nhằm giúp các em tự tin làm chủ công nghệ trong tương lai?”, ông Bruce nói.
Với tư cách là Trưởng Ban nâng cao trải nghiệm dạy và học tại Trường Quốc tế Anh Kuala Lumpur (BSKL), ông Bruce đã thiết kế và phát triển công cụ Trợ lý Giảng dạy AI, một công cụ học tập hữu ích dành cho các em học sinh.
“Công cụ Trợ lý Giảng dạy AI của BSKL được xây dựng dựa trên cách thức học tập mà học sinh yêu thích. Công cụ này cho phép các em áp dụng mô hình ETC được hỗ trợ bởi AI, thông qua một quy trình học tập mang tính tương tác cao với các chủ đề và nội dung phong phú, một chuỗi các hoạt động được hệ thống giúp kích thích tư duy, tạo cơ hội để đưa những kiến thức và kỹ năng mới vào chương trình đồng thời đo lường được hiệu quả học tập.” ông Bruce nói.
“Cuộc cách mạng giảng dạy lớn gần đây nhất trong lịch sử là việc phát minh ra máy in. Máy in đã đem lại những cơ hội mang tính đột phá cho việc dạy và học. Việc giảng dạy và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đúng cách sẽ mang đến những lợi ích lớn hơn cả việc sử dụng sách giáo khoa mang tính tương tác. Việc ứng dụng AI mở ra cho chúng ta một thế giới với những tiềm năng vô hạn.”
Tuần qua, các chuyên gia hàng đầu trong ngành giáo dục từ các trường quốc tế thuộc Tổ chức giáo dục Nord Anglia ở khắp nơi trên thế giới đã hội tụ cùng những người đồng nghiệp tại Hà Nội để cùng thảo luận về những phương pháp đổi mới sáng tạo trong giáo dục nhằm giúp các em học sinh chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai.
Tại hội thảo do hai trường thuộc Tổ chức giáo dục Nord Anglia, Trường Quốc tế Anh BIS Hà Nội và Trường Quốc tế Anh Việt BVIS Hà Nội tổ chức, hơn 200 nhà lãnh đạo giáo dục quốc tế đã tới và gặp gỡ phụ huynh, học sinh và cộng đồng tại Hà Nội để chia sẻ những nghiên cứu thú vị và những ý tưởng đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
Với tư cách là một chuyên gia trong ngành, ông Bruce Geddes đã có bài phát biểu tại sự kiện về chủ đề tích hợp AI trong giáo dục nhằm nâng cao trải nghiệm học tập và chia sẻ những phương pháp thực hành hiệu quả nhất cùng những lời khuyên truyền cảm hứng cho đội ngũ giáo viên tham dự.