/ Sembcorp khám phá cơ hội M&A dự án điện gió
Cùng Gelex khám phá cơ hội
Theo báo cáo từ Công ty cổ phần Chứng Khoán Vietcap, danh mục năng lượng tái tạo mà Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex bán cho Sembcorp (Singapore) có giá trị vốn chủ sở hữu tối đa 218 triệu SGD (khoảng 3.800 tỷ đồng).
Tập đoàn Sembcorp Industries thông báo công ty con do Sembcorp sở hữu 100% vốn cổ phần - Sembcorp Solar Vietnam Pte Ltd - đã đạt được thỏa thuận mua lại phần lớn cổ phần trong danh mục năng lượng tái tạo 245 MW của Gelex.
Danh mục các dự án năng lượng đang vận hành của Gelex bao gồm các dự án điện gió, điện mặt trời và thủy điện, có tổng công suất khoảng 245 MW. Trong đó, có 73% cổ phần tại Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A (49 MW), 100% cổ phần tại Điện mặt trời Gelex Ninh Thuận (68 MWp), 100% cổ phần tại Điện gió Gelex Quảng Trị (88 MW) và 100% cổ phần tại Điện gió Hướng Phùng (50 MW).
Sembcorp cho biết, sẽ mua từ 73 - 100% cổ phần các dự án này, nhưng không công bố số cổ phần cụ thể sẽ mua trong từng dự án.
Sembcorp có ý định tiếp tục khám phá cơ hội trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với Gelex. Trước đó, Gelex sẽ sử dụng số tiền thu được từ doanh thu để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn hơn, bao gồm trang trại điện gió gần bờ với công suất 800 MW ở tỉnh Sóc Trăng.
Đối với Gelex, tại ĐHĐCĐ hồi tháng 4, lãnh đạo Tập đoàn khẳng định, sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tiềm năng, trao đổi cơ hội hợp tác với một số đối tác và xem xét các dự án mới.
Mục tiêu xuất khẩu điện sang Singapore
Hợp tác cùng Sembcorp, Gelex tiếp tục hiện thực hoá chiến lược phát triển hệ sinh thái đối tác với các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu để mở rộng thị trường, chuỗi giá trị cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn.
Trước đó, Sembcorp cũng cho biết, đang tiến hành thăm dò và nghiên cứu khả năng nhập khẩu năng lượng gió ngoài khơi từ Việt Nam để cung cấp điện cho Singapore. Hiện nay, nhiều địa phương tại Việt Nam đã bày tỏ quan tâm tới khả năng xuất khẩu năng lượng tái tạo sang Singapore.
Cụ thể, Sembcorp Industries đã nhận được ý định thư từ Cơ quan Thị trường Năng lượng (EMA) của Singapore, liên quan đến việc khảo sát và phát triển các dự án trang trại gió ngoài khơi tại Việt Nam để xuất khẩu điện sang Singapore.
Dự án này dự kiến sẽ tạo ra các trang trại điện gió nằm ở vùng biển ngoài khơi miền Nam Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 200.000 ha. Đây là một dự án quy mô lớn và có tiềm năng đáng kể để cung cấp nguồn năng lượng sạch và bền vững cho cả hai quốc gia.
Trong hồ sơ giao dịch trên sàn giao dịch, Sembcorp thông báo công ty con Sembcorp Utilities, sẽ hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và cụ thể là thành viên của PVN, Công ty Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), để thực hiện hoạt động nghiên cứu và phát triển cho dự án này.
PTSC là công ty duy nhất được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thực hiện khảo sát gió, biển và địa chất.
Để tiến xa hơn trong quá trình phát triển dự án, Sembcorp khẳng định sẽ làm việc chặt chẽ với PTSC để đảm bảo việc nhận được sự chấp thuận có điều kiện từ EMA.
Sembcorp do Temasek Holding (quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore) nắm giữ 49% vốn sở hữu đã đầu tư vào nhiều quốc gia, nhưng hoạt động đầu tư vẫn chủ yếu tập trung tại châu Á. Sembcorp bắt đầu hành trình năng lượng tái tạo của mình với việc mua lại một phần danh mục tài sản điện tại Trung Quốc của Tập đoàn AES. Theo đó, Sembcorp đã bỏ ra 85,5 triệu USD để sở hữu 49% cổ phần của 4 nhà máy điện gió và 25% cổ phần của một nhà máy nhiệt điện than.
Tại Ấn Độ, Sembcorp là đơn vị đầu tiên hoàn thành và cung cấp 800 MW điện gió từ các cuộc đấu thầu của Tập đoàn Năng lượng mặt trời Ấn Độ, nâng công suất năng lượng tái tạo đang hoạt động ở quốc gia này lên 1.730 MW.
Tại Việt Nam, Sembcorp đầu tư qua Công ty Điện lực Phú Mỹ 3, Sembcorp Energy Việt Nam, Sembcorp Solar Vietnam và hợp tác với BCG Energy để phát triển dự án năng lượng gió và mặt trời.